Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt nền móng toàn diện cho việc xây dựng Đảng sau này. Nhân dịp kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023), chúng ta cùng nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục để thấy được giá trị tư tưởng của Người trong bối cảnh đổi mới hiện nay:
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người quan điểm: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, và khẳng định đây là sự nghiệp “nặng nề” nhưng rất “vẻ vang”. Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng cho nền giáo dục toàn dân, toàn diện, khoa học và hiện đại của nước nhà.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục được thể hiện ở nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau. Song nhận thức giá trị tư tưởng của Người về giáo dục, tác giả nhận thức sâu sắc ở một số phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục lí luận chính trị. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động cách mạng Việt Nam. Để thực hiện được điều này phải bằng con đường giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức. Tư tưởng có thông, nhận thức mới đầy đủ, hành động mới đúng đắn, sáng suốt. Theo Bác, “lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng”.
Bởi vậy, giáo dục lí luận chính trị luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Người nhận định: “lí luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lí luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Người luôn kêu gọi mọi người, nhất là “cán bộ, đảng viên” phải thường xuyên trang bị cho mình những kiến thức lí luận. Vì “không học lí luận thì chí khí kém kiên quyết”, không “trông xa thấy rộng”, trong lúc đấu tranh dễ mất phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí “hủ hóa, xa rời cách mạng”; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên “trau dồi, nâng cao trình độ lí luận”; thực hiện tốt nguyên tắc “gắn lí luận với thực tiễn”, vận dụng tri thức lí luận vào thực tiễn.
Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề thầy giáo. Người cho rằng đội ngũ nhà giáo giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, họ mới là người quyết định thành công công cuộc xây dựng đổi mới nền giáo dục. Người cho rằng: “không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Nghề thầy giáo là nghề rất quan trọng, rất vẻ vang. Một lần đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Người phát biểu: “Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa Xã hội được. Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”(1).
Người thầy giáo phải có trình độ khoa học phù hợp, phải yêu nghề, yêu trò như con, tham gia học hỏi nghiên cứu không ngừng… Vì lẽ đó, Bác yêu cầu những người làm việc trong giáo dục không bằng lòng với kiến thức đã có, phải thường xuyên tích lũy kiến thức. Người nói: “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”(2). Người thầy giáo chỉ có tri thức thôi chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức. Người nhắc nhở: “các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo”, “phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Bởi theo Người: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ, vì vậy sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà”(3), do đó “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”(4). Đạo đức ở đây là đạo đức cách mạng. Bác nói: “trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng, có tài phải có đức”.
Sau cùng, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục. Nội dung giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất sâu rộng, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nội dung cơ bản nhất là giáo dục đạo lí làm người, đó là xây dựng con người toàn diện vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tài, có đức. Để truyền tải nội dung giáo dục có hiệu quả, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải có phương pháp. Bác nhận định: “Muốn học tập có kết quả tốt thì cần có thái độ đúng và phương pháp đúng”(5). Phương pháp giáo dục Bác chỉ ra là:
- Phương pháp học kết hợp với hành, lời nói đi đôi với việc làm, lí luận gắn liền với thực tiễn:
Đây là một trong những phương pháp có tính nguyên tắc trong tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là nguyên tắc thống nhất giữa lí luận và thực tiễn. Người khẳng định: “Lí luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hòa những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(6) và thực tiễn là những vấn đề cách mạng đặt ra cho ta phải giải quyết. “Thực tiễn không có lí luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lí luận mà không liên hệ với thực tiễn là lí luận suông”(7). Vì thế, phương pháp giáo dục của Người hết sức thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ đến to, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.
Từ nguyên tắc thống nhất giữa lí luận nhận thức và hoạt động thực tiễn, Bác Hồ quan niệm: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt,… Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học và hành phải kết hợp với nhau”(8), phải gắn chặt chẽ lí luận với thực hành, giáo dục với lao động. Bác đề xuất sửa chương trình làm sao để có thể học thì hành được ngay, vì chương trình thời phong kiến “học một đường, hành một nẻo”. Phương pháp giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có sự gắn kết giữa lí luận và thực tiễn mà còn là phương pháp học phải gắn liền với sản xuất. Bởi vì trong hoạt động sản xuất mới hình thành và hiểu rõ mối quan hệ giữa người này với người khác. Sản xuất là nguồn gốc của sự phát triển xã hội loài người.
Cũng theo Bác, chỉ có thực hành mới là thước đo đúng nhất cho sự hiểu biết của con người về thế giới. Thông qua thực hành người ta mới đạt được kết quả đã dự tính trong tư tưởng, và khi đó sự hiểu biết mới được chứng thực. Thực hành là nền tảng của lí luận và lí luận phụng sự thực hành. Thông qua thực tiễn, thí nghiệm, thực hành, lao động sản xuất cho lí luận, tri thức người học được gọt dũa, mài sắc và củng cố thêm, nó là cơ sở, nền tảng để nhận thức, phát hiện và khám phá cái mới. Phương pháp học kết hợp với hành, lí luận gắn liền với thực tiễn, và giáo dục kết hợp với lao động sản xuất là phương pháp cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.
- Phương pháp giáo dục phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội:
Môi trường xã hội, đời sống gia đình là một trong những nhân tố cơ bản quyết định đến việc hình thành bản chất, nhân cách con người. C.Mác đã nói: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(9). Cho nên đào tạo “trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(10).
Trong Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân”(11). Bác quan niệm, giáo dục đào tạo là “công việc chung của gia đình, nhà trường và xã hội”. Theo Bác, các thầy giáo, cô giáo phải gần gũi với dân chúng, phải biết sinh hoạt của nhân dân, phải yêu dân, yêu trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò mới có thể dạy được tốt. Cho nên giáo dục ở nhà trường và ở gia đình có quan hệ với nhau.
Trong phương pháp giáo dục kết hợp với gia đình, nhà trường và xã hội, Bác quan tâm chú ý đến việc làm gương của mọi người. Làm gương là một trong những cách thức giáo dục mang lại hiệu quả cao bởi sự thiết thực, sinh động và cụ thể. Làm gương không chỉ là phương pháp giáo dục mà qua đó, những việc làm của người làm gương cũng trở thành nội dung giáo dục để họ tự giáo dục mình và giáo dục người khác. Trong nhà trường, gia đình và xã hội, Bác yêu cầu mọi người gắng làm gương cho nhau bằng những công việc cụ thể, tham gia vào thực hiện đời sống mới, siêng năng, hăng hái tham gia vào những công việc ích nước lợi dân. Phương pháp giáo dục làm gương đòi hỏi nhà giáo phải có đạo đức, trình độ khoa học phải phù hợp, yêu nghề, mến trẻ… phải là tấm gương tự học vươn lên làm gương cho người học.
- Phương pháp đối thoại, tranh luận trong quá trình dạy học:
Theo Người, nhà giáo phải học hỏi, lắng nghe ý kiến người khác để làm giàu tri thức cho mình. Trong quá trình dạy và học hay con đường đi đến nhận thức chân lí phải có tinh thần đối thoại; khám phá trên cơ sở có sự gợi mở của người dạy và những thắc mắc của người học. Phương pháp đối thoại không chỉ có vai trò quan trọng trong việc dạy và học mà còn được thực hiện trong các buổi thảo luận, hội họp. Bởi vì trong khi thảo luận mọi người được tự do phát biểu ý kiến, dù ý kiến đó có đúng hoặc không đúng cũng vậy.
Trong thảo luận, mọi người được quyền tự do trình bày quan điểm của mình. Song, mọi người cần phải biết cách dùng từ sao cho giản dị, dễ hiểu và dễ nhớ. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến câu chữ, từ ngữ trong khi đối thoại. Qua cách viết của Người cho thấy phương pháp dùng từ hết sức gần gũi, cụ thể nhưng cũng hết sức thâm sâu, uyên bác. Tư tưởng của Bác được truyền tải bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng văn phong vẫn trong sáng, ý tưởng phong phú, sâu sắc. Sự cuốn hút của phong cách diễn đạt là nhân tố hàng đầu của người thuyết giảng, trong đó có nhà giáo, người lãnh đạo, người quản lí xã hội. Vì vậy phải biết cách nói, nói phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Nói phải có đầu có cuối, sao cho ai cũng hiểu… không nói dài người nghe chán tai… Tất cả tư tưởng này đặt nền móng đầu tiên cho đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
- Phương pháp giáo dục tùy theo đối tượng, lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy học:
Hồ Chí Minh luôn yêu cầu việc dạy và học phải dựa trên năng lực, điều kiện về trình độ của người học. Người coi đó là cơ sở hàng đầu cho việc phát huy năng lực sáng tạo của mỗi người và nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục. Giáo dục phải căn cứ vào đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh của người học mà truyền đạt nội dung và bổ sung cách thức giáo dục phù hợp. Người nói: “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”(12).
Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm đòi hỏi nhà giáo phải căn cứ vào trình độ, điều kiện, năng lực mà chuyển tải những nội dung khác nhau. Người đã chỉ rõ:
- “Đại học thì cần kết hợp lí luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lí luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế…
- Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”(13).
Như vậy, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, những minh triết của Người về giáo dục chiếm một vị trí quan trong, là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam cho nền giáo dục nước nhà. Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục... nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện. Những chỉ dẫn đó không chỉ có giá trị trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục của đất nước thời đó, mà vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay như tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”./.
Nguyên Tùng
Tài liệu tham khảo:
[1] Ban chấp hành Trung ương Đảng (2013), Nghị quyết số: 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hà Nội.
[2] Ban chấp hành Trung ương (2003), Chỉ thị số 23-CT/TW, Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Hà Nội.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 1995, t.3, tr.11.
[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.102, tr.248.
[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.266.
[6] Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.88, tr. 394, tr. 496, tr. 497.
[7] Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.489, tr.492.
[8] Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.331.
[9] Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.94.
[10] TS. Lê Văn Yên (chủ biên) (2006), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, NXB Lao động, Hà Nội.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.331.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.489.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.102.
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.492.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.94.
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.497.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.496.
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.331.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 1995, t.3, tr.11.
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.394.
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.266.
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.248.
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.88.