Giờ sinh hoạt lớp 5A1 trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, có một bài học vô cùng bổ ích và đáng nhớ của chúng em.
Hôm ấy, sau khi đọc thông báo về cuộc thi “ Gương sáng Nghìn việc tốt , Chào mừng kỉ niệm 60 năm phong trào Nghìn việc tốt “ (24/3/1963 - 24/3/2023)” . Cô giáo ….chủ nhiệm lớp em có hỏi:
- Trong lớp ta, có em nào hỏi gì về vấn đề “ Nghìn việc tốt” không ?
Cả lớp còn ngơ ngác, bỗng một cánh tay giơ lên; thì ra là bạn Thức với biệt danh “ Vua tìm hiểu”. Cô giáo chủ nhiệm nhẹ nhàng:
- Nào! Cô mời em.
Thức mạnh dạn hỏi cô một cách lưu loát:
- Em thưa cô! Những việc như thế nào gọi là “việc tốt” ạ? Sao lại gọi là “Nghìn việc tốt” ạ?
Cô giáo nhìn Thức và rất đồng tình với câu hỏi của bạn ấy. Cô dịu dàng phân tích:
- Các em ơi! Câu hỏi của bạn Thức rất hay và đúng với chủ đề của cuộc thi “Nghìn việc tốt” mà cô vừa phổ biến. Không phải “ Nghìn việc tốt” là có một nghìn đâu, có rất nhiều lên tới hàng vạn, hàng triệu việc tốt dù việc ấy lớn hay nhỏ. Nhưng gọi “ Nghìn việc tốt” là cách nói chung để chỉ việc làm có ích cho gia đình, xã hội, nhất là đối với các bạn trong lớp, trong trường: Cô tạm chia làm hai phần để các em dễ hiểu nhé!
Thứ nhất là trong gia đình, các em luôn nhớ câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Như vậy, ông bà là người sinh ra bố mẹ mình, bố mẹ sinh ra mình nên phải hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, luôn chăm ngoan, vâng lời bố mẹ, làm những công việc hợp với sức mình. Trong gia đình còn có anh chị em ruột, phải nghe anh dặn, thương yêu em bé, nếu cần làm cho em vui, biết vò khăn rửa mặt cho em,… Ở gia đình còn có hàng xóm láng giềng, các em phải làm những điều tốt đẹp với họ, để họ coi các em như con cháu của mình.
Thứ hai, ngoài xã hội, đặc biệt là chung trường lớp, nơi học sinh coi như ngôi nhà thứ hai của mình. Đây là lĩnh vực rất rộng, nhưng cô sẽ dựa vào “ 5 điều dạy của Bác Hồ” rồi phát triển. Vậy cô hỏi các em: em nào thuộc “ 5 điều dạy của Bác” cho cô biết? Nghe cô giáo hỏi, cả lớp đều giơ tay, cô giáo nhìn bạn Thức và nói:
- Bạn Thức khởi xướng ra vấn đề này, vậy mời em trả lời nào!
Thức đứng lên; dõng dạc trả lời:
- Em thưa cô! “ 5 điều dạy của Bác Hồ” với học sinh là:
1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Cô giáo em cười và nói rất vui:
- Câu trả lời của em ,nếu cho điểm cô sẽ cho điểm vì rất đúng . Vậy cô dựa vào “ 5 điều dạy của Bác” để các em thực hiện thành nhiều việc tốt nhé !
Ở điều thứ nhất trong lời dạy của Bác , có hai phần : “ Yêu Tổ quốc và yêu đồng bào” . “Yêu Tổ quốc” là : đến tuổi trưởng thành , lúc đất nước có giặc , chúng ta phải đứng lên đánh giặc . Khi bình yên , mỗi người đều ra sức xây dựng để đất nước phát triển . Yêu Tổ quốc đối với học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều . Các em yêu trường , yêu lớp , giữ gìn trường lớp sạch đẹp , bảo vệ tài sản của trường . Đến những nơi công cộng , giữ gìn vệ sinh chung, không hái hoa, bẻ cây, như vậy chúng ta cũng là “ Yêu Tổ quốc”. “ Yêu đồng bào” là mỗi chúng ta phải giúp đỡ những người đồng bào của mình. Người lớn thì giúp tiền của, công sức đến những vùng đất khó khăn, đến những người bị thiên tai, bão lụt, dịch bệnh. Học sinh thì giúp các bạn vùng sâu, vùng xa vài cuốn sách để các bạn có thêm kiến thức, vài tấm áo để các bạn ấm lòng trong ngày đông giá rét. Gần gũi hơn là giúp những cụ già qua đường, đỡ các em nhỏ bị ngã. Thân thiết nữa là các bạn trong lớp, trong trường nếu khó khăn thì cùng nhau giúp đỡ.
Trong điều thứ hai, Bác đã dạy “ Học tập tốt, lao động tốt”. Như vậy, nhiệm vụ của học sinh là học tập, muốn học tốt các em phải chú ý nghe thầy , cô giảng bài , đừng nghe gió thổi, đùng nhìn mây bay, chớ nói chuyện với bạn bè. Khi nghe thầy cô giảng xong là các em đã thuộc bài, về chỉ học thêm là có kiến thức làm bài tập chuẩn xác. Lao động tốt là các em, ngoài lao động trong gia đình, các em thực hiện đầy đủ những lần trực nhật, những lần lao động của lớp.
Ở điều thứ ba: “ Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt” . Điều này cô sẽ phát triển rộng hơn ở loài kiến và ong nhé! Các em có thấy các chú kiến đen bé nhỏ không? Khi đi ngược chiều, chúng hay cộc đầu chào nhau, thân thiện lắm chứ! Bỗng gặp một hạt cơm, một mẩu bánh, bằng thần giao cách cảm, chúng gọi nhau khiêng thức ăn về tổ dùng chung, đoàn kết quá phải không? Còn đàn ong mật, những chú ong mật đi tìm nhụy hoa về làm mật. Những chú ong thợ, kiếm nguyên vật liệu về xây tổ. Còn ong Chúa có nhiệm vụ bảo tồn nòi giống. Như vậy bầy ong thật kỉ luật phải không các em? Chẳng lẽ chúng ta là con người, là học sinh mà không bằng con ong, con kiến ư ?
Trong điều dạy thứ tư của Bác “ Giữ gìn vệ sinh thật tốt” . Các em còn nhớ: ngay từ khi các em được học mẫu giáo, các cô đã dạy các em giữ vệ sinh, biết đánh răng rửa mặt, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Càng lớn, các em phải giữ vệ sinh nhiều hơn. Ngay như trong thời kì dịch Covid-19 hoành hành, các em cũng như toàn dân phải tiêm phòng, phải thực hiện nghị định 5K. Tất cả đều là “ giữ vệ sinh thật tốt”.
Còn điều thứ năm Bác Hồ đã dạy “ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Như vậy, các em học chưa giỏi phải phấn đấu cho giỏi. Em nào học có thành tích cao, đừng tự kiêu mà phải giúp bạn yếu kém hơn, chứ đừng coi thế là nhất. Bác dạy chúng ta thật thà, nghĩa là không lấy của người khác bất cứ vật gì, kể cả chép bài của bạn. Nhặt được của rơi trả lại người đánh rơi. Không gian lận, nói dối. Nói chung những gì không phải của mình, không bao giờ được giữ làm của mình. Riêng điểm cuối cùng Bác dạy “ Dũng cảm” tuổi trưởng thành, như các bậc cha ông trước kia, đất nước có giặc thì xông pha trận mạc tiêu diệt kẻ thù. Còn học sinh chúng ta tuổi nhỏ, sống trong thời kì bình yên thì phải dũng cảm là phải mưu trí để vượt qua khó khăn, có khi ai đó gặp nguy hiểm phải mưu trí thông báo cứu giúp họ. Đặc biệt nếu em nào làm sai việc gì, sẵn sang nhận lỗi với ông bà, cha mẹ, thầy cô hay các bạn đấy là “ dũng cảm”.
Như vậy, 5 điều dạy của Bác Hồ mà nhân lên từng sự việc chắc chắn chúng ta có hàng nghìn việc tốt. Cô cám ơn các em đã lắng nghe những phân tích của cô.